←Back
Tạp chí Hán Nôm〔漢喃雜誌〕2009年度6期(総97期)10-29頁、2009年

NGHIÊN CỨU SO SÁNH ĐỊNH LƯỢNG

THƯ TỊCH Y HỌC CỔ CÁC NƯỚC KHU VỰC ĐỒNG VĂN

 

GS. MAYANAGI Makoto
Khoa nghiên cứu Nhân văn Viện Đại học,
Trường Đại học Ibaraki

 

Quantitative Comparative Studies on Traditional Medical Treatises in Countries Using the Same Language (i.e., Classical Chinese)

  Summary

  The following resultss are obtained by quantitative comparison research on old medical documents made in the Chinese character cultural area: Each country selectively received the medicine of another country, and the history of making originality at the same time was clarified from the amount of documents. These are related histories between the each country medicines. Moreover, a lot of commonality was discovered at the Chinese medical books which were used as a model for the formation of their originality in Japan, Korea, and Vietnam. This is a history phenomenon not known at all so far.

  Key words: Chinese character cultural area, old medical documents, quantitative comparison research

 

  Tóm tắt:

  Qua nghiên cứu so sánh định lượng thư tịch cổ y dược khối các nước đồng văn, chúng tôi đạt được kết quả là: đã làm sáng tỏ sự tiếp nhận có chọn lọc y học của các nước và lịch sử nội địa hóa y thư từ số lượng tư liệu văn hiến. Điều đó có liên quan đến lịch sử quan hệ tương hỗ giữa y học các nưóc trong khu vực. Đặc biệt, có thể thấy, giữa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có nhiều điểm chung trong việc moden hóa y thư Trung Quốc để hình thành tính dân tộc trong nền y học mỗi nước. Đó là hiện tượng lịch sử chưa được biết tới từ trước tới nay.
   Từ khóa:
Văn hóa đồng văn; Thư tịch y dược cổ; Nghiên cứu so sánh định lượng.

  1. Mục đích nghiên cứu

  Đặc trưng rõ ràng nhất trong khối các nước đồng văn nếu lấy y học truyền thống làm ví dụ thì đó là sự truyền đạt tri thức qua sách vở, từ đó hình thành nên truyền thống và hệ thống. Các sách vở trong quá khứ, ngoài những thư tịch y học cổ hiện còn, người ta còn biết đến những sách vở hiện chỉ tồn tại trong các thư mục. Tuy nhiên, thư tịch có thể dễ dàng vượt qua biên giới, được lưu truyền và in lại, vì thế, đã có khoảng trên 1500 năm sách vở y học của các nước đồng văn chủ yếu là Trung Quốc ảnh hưởng tới các nước xung quanh. Trong bối cảnh đó, việc trị liệu bằng phương pháp y học truyền thống ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và Việt Nam đều cùng một hệ thống. Tuy nhiên, tùy theo mỗi nước mà có sự khác nhau về việc sử dụng dược liệu và cấu trúc lý luận, và từ đó phát sinh ra sự không giống nhau về quan niệm trong việc lý giải và sử dụng thuật ngữ y học. Về phương diện này cũng có thể coi đó là một hệ thống khác.

  Mặt khác, các nước Đông Á hiện đang trong xu thế già hóa, vai trò của y học truyền thống trong việc trị liệu và chăm sóc sức khỏe người già cũng được ngay cả phía người dân cũng như các cơ quan công quyền coi trọng. Vì nguyên nhân đó mà chúng tôi đã đề xướng sự hợp tác nghiên cứu giữa ba nước Nhật - Trung - Hàn. Tuy nhiên, ngoài sự thống nhất quốc tế [1] về bộ vị Kinh huyệt dưới sự chỉ đạo của WHO, cũng chưa có được những thành quả to lớn. Sự hợp tác nghiên cứu đã được tiến hành bằng nhiều hình thức, nhưng cho đến nay, do chưa có sự nhận thức về sự được hình thành tự truyền thống và tính nội địa của mỗi nước mang tính khách quan lịch sử nên nó đã trở thành lý do khiến cho các nước không thể lý giải với nhau về ý nghĩa nghiên cứu và lý luận. Vấn đề hiện nay cần giải quyết chính là điều đó.

  Lẽ đương nhiên, việc nghiên cứu so sánh y học giữa các nước như Nhật -Trung, Nhật-Hàn, Trung-Hàn, Trung-Việt từ trước tới nay đã được tiến hành ở mỗi nước, song vẫn chưa bảo đảm được tính khách quan về lý luận mang tính tương đối giữa hai nước với nhau, việc nghiên cứu phần nhiều rơi với tình trạng lý luận hơn kém (ưu liệt luận). Ngay cả trong các hội nghị quốc tế, các nhà nghiên cứu nhiều lần đề cập đến truyền thống và hệ thống y học của nước mình, mà không thể cùng có chung một nhận thức lịch sử. Hơn thế nữa các công trình nghiên cứu so sánh y học truyền thống của các nước Đông Á cũng rất ít. Việc xuất hiện ít các công trình nghiên cứu phân tích so sánh "định tính" từ các tác phẩm và học thuyết tiêu biểu, từ đó nắm bắt những đặc trưng của mỗi nước có lẽ có nguyên nhân của nó.

  Y học truyền thống của Nhật Bản, Hàn quốc, Việt Nam đều được hình thành dưới sự ảnh hưởng rất lớn của y học Trung Quốc. Đó là sự thực. Cho đến nay, từ việc điều tra các sách vở thư tịch y học cổ chúng tôi đã phát hiện ra một điều thú vị rằng, cho dù y học của các nước có sự khác nhau một phần là do bối cảnh địa lý và văn hóa xã hội, nhưng thực ra chúng đều có chung lịch sử.

  Với ý nghĩa đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu so sánh "định lượng" các thư tịch y học cổ ở các nước trong khối đồng văn. Từ nghiên cứu so sánh đồng thời giữa 4 nước sẽ loại bỏ chủ nghĩa chỉ coi trọng nước mình, làm sáng tỏ bối cảnh lịch sử và những điểm chung trên cơ sở coi trọng các kết quả điều tra khách quan, và có lẽ sẽ tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề: ý nghĩa, lý luận của việc nghiên cứu cũng như các khuynh hướng và truyền thống của mỗi nước.

  Tức là xác lập quan niệm lịch sử có tính khách quan từ những điểm chung, loại bỏ quan niệm lịch sử dân tộc riêng rẽ ở các nước trong khối đồng văn, lấy đó làm cơ sở cho việc hợp tác nghiên cứu thực tế từ nay về sau và đó là mục đích của công trình nghiên cứu này.

 

  2. Đối tượng nghiên cứu

  Công trình nghiên cứu này lấy đối tượng chủ yếu là các thư mục ở các thư viện và ghi chép trong các sử liệu có liên quan để điều tra thư tịch y học cổ hiện còn ở 4 nước trong khối đồng văn. Các sách do người Nhật Bản biên soạn, các thư tịch Hán do người Trung Quốc biên soạn, các thư tịch Hán do người Hàn Quốc biên soạn và các thư tịch Hán do người Việt Nam biên soạn. Việc định nghĩa thư tịch cổ với tư cách là đối tượng nghiên cứu ở các nước có khác nhau. [Pg.2] Chúng tôi lấy mốc thời điểm đối với sách y học Nhật là đến năm 1867 cuối thời Mạc phủ; sách y học Hán của người Trung Quốc được tính đến cho đến năm 1910, cuối thời nhà Thanh; sách y học Hán của người Hàn là năm 1909, trước năm bị Nhật thống trị; sách y học Hán của người Việt là các sách chép tay hoặc in khắc ra đời đến thời điểm năm 1886, trước khi Pháp cai trị. Cũng tính cả các sách đã được in lại.

  Cho đến nay, chúng tôi đã nhiều lần điều tra ở các tàng thư và thư viện ở các viện nghiên cứu tiêu biểu ở 4 nước khối đồng văn như Nhật Bản, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Hàn Quốc, Việt Nam; các thư viện ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Italia (bao gồm cả Vatican). Việc điều tra thư tịch y học cổ ở các tàng thư lớn như Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, Đài Loan [2]; Thư viện Quốc gia (Hà Nội) Việt Nam [3]; Khuê Chương Các [4] ở Đại học Soul - nơi tàng trữ sách vở của vương triều họ Lý của Triều Tiên đã hoàn thành, các báo cáo liên quan cũng đã hoàn tất. Hiên tại đang làm báo cáo liên quan về số liệu điều tra ở Thư viện quốc gia (Đài Bắc) [5]. Việc điều tra ở Viện nghiên cứu Hán Nôm - cơ quan lưu trữ thư tịch cổ điển lớn nhất Việt Nam; Thư viện Quốc gia trung ương - cơ quan lưu trữ lớn nhất Hàn Quốc cũng đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị báo cáo. Lần này được sự tài trợ nghiên cứu, chúng tôi đã kết thúc việc điều tra ở Thư viện Phó Tư Niên của Viện nghiên cứu Trung ương - cơ quan lưu trữ thư tịch cổ điển đứng thứ 3 Đài Loan và Thư viện Quốc lập trung ương - là cơ quan lưu trữ sách vở đứng thứ 2 Hàn Quốc. Các số liệu điều tra sách gốc ở Âu Mỹ là 150 sách, Việt Nam là 433 sách, Hàn Quốc là 728 sách và Đài Loan, trừ sách Tứ khố toàn thư của Cố Cung không cần điều tra, số sách còn lại là 784 sách.

  Các thư tịch cổ điển hiện lưu trữ ở Nhật Bản có số lượng lớn nhất, theo thống kê của chúng tôi, sách y học cổ bằng tiếng Nhật là 860 cuốn. Ngoài ra trong báo cáo liên quan, chúng tôi còn niên biểu hóa 15.070 cuốn về y dược, giáo trình y học, được phép lấy ra từ số liệu điều tra thu thập của hai bộ mục lục đó là Quốc thư tổng mục lụcCổ điển tịch tổng hợp mục lục của Viện nghiên cứu tư liệu Quốc văn học [6]. Do việc điều tra hạn chế, nhất là đối với các tác phẩm y học cổ ở Trung Quốc lục địa, nên chúng tôi mới chỉ thống kê được 104 sách gốc. Chúng tôi tổng hợp sách y học cổ của Trung Quốc từ số liệu thư mục sách thư tịch y học Toàn quốc trung ương đồ thư liên hợp mục lục là 12.637 cuốn. Trừ những cuốn in lại từ cùng ván khắc, chúng tôi đã nghiên cứu khoảng 29.000 cuốn y học cổ qua các triều đại của cả 4 nước trong khối đồng văn, tuy nhiên, chúng tôi đoán có khoảng trên dưới 90 % số sách hiện vẫn còn [7]. Về số sách gốc hiện còn không rõ, có thể do thất lạc, đối với những trường hợp có thể đoán định từ những ghi chép trong các số liệu thu thập hoặc sử liệu liên quan, thì chúng tôi cũng đưa vào diện khảo sát.

 

  3. Phương pháp nghiên cứu

  Chúng tôi tiến hành phân tích mang tính sử học định lượng và khảo sát định tính 29.000 sách theo điều tra các y học cổ của 4 nước Nhật, Trung, Hàn, Việt, chủ yếu theo các mục dưới đây:

  - Thống kê và phân tích thời kỳ in khắc và số lần khắc lại các sách y học các nước ở nước khác.

  - Thống kê và phân tích sự dẫn dụng y thư của nước khác trong hệ thống y thư nội địa hóa.

  Tổng hợp các số liệu và tiến hành khảo sát các bước tiếp theo dưới đây:

  - Điểm chung và vai trò của y thư nước khác trong việc hình thành hệ thống y thư các nước.

  - Nguyên nhân lịch sử, địa lý, xã hội có liên quan đến việc hình thành truyền thống và hệ thống y thư các nước.

  Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chú trọng khảo sát những điểm chung, những khuynh hướng chung; tóm tắt những điểm trọng yếu về sự khác nhau nhiều chiều giữa các nước và lý giải sự khác nhau đó.

 

  4. Kết quả thống kê

  4.1. Phân tích thời kỳ và số lần in lại các sách y thư các nước ở nước khác.

  4.1.1. Trung Quốc.

テキスト ボックス: Ảnh 1 鍼灸擇日編集(1890版)       Những sách y học của nước khác được in ở Trung Quốc từ năm 1910 trở về trước gồm 28 sách dưới đây, nhưng không tìm thấy thư tịch y học của Việt Nam in lại ở Trung Quốc (trong ngoặc đơn là năm in lại).

   1/ Thư tịch Hàn do Trung Quốc in lại: gồm 3 sách.

  - Sách Châm cứu dịch nhật biên tập 鍼灸擇日編集 của các ông Kim Tuần Nghĩa 金循義 , 1 quyển [biên soạn năm 1447], có 4 bản in (1890, 1891, 1892, 1910. Bản in năm 1890 là bản in lại từ bản in của Nhật Bản).

  - Sách Đông y bảo giám 東醫寶鑑Dongyi Bogam của Hứa Tuấn 許浚Hojun , 25 quyển [in lần đầu năm 1613]: gồm 18 bản in vào các năm (1763, 1763, 1766, 1796, 1796, 1797, 1821, 1831, 1831, 1847, 1885, 1889, 1890, 1908, bản in nhà Minh không rõ năm in: 1 loại, nhà Thanh 2 loại. Bản in năm 1890 và 1908 là bản in lại từ bản in của Nhật Bản).

  - Sách Tế chúng tân biên 濟眾新編 của Khang Mệnh Cát 康命吉 , 8 quyển [in lần đầu vào năm 1613]: có 2 bản in (1817 và 1851)

  Từ số liệu trên cho thấy việc in lại sách y của Hàn Quốc ở Trung Quốc tập trung chủ yếu vào những năm cuối thế kỷ 19 - Hậu kỳ triều nhà Thanh, và một bộ phận sách là những mộc bản thư tịch y do Nhật Bản khắc được du nhập vào Hàn Quốc từ thời Minh Trị trở về sau. Từ số lần in sách Đông y bảo giám 東醫寶鑑 cho thấy sách này có giá trị cao.

  2/ Những sách của Nhật do Trung Quốc in lại: 25 sách

  - Quan tụ phương yếu bổ 觀聚方要補 của Đa Kỷ Nguyên Giản 多紀元簡Taki Genkan, 10 quyển: 3 bản in (bản in đời Thanh không rõ niên đại: 3 loại. Tất cả đều là bản in lại từ bản in thời Edo, 1857).

テキスト ボックス: Ảnh 2 聿修堂醫學叢書(1884版)       - Mạch học tập yếu 脈學集要 , 3 quyển [in lần đầu năm 1795], Cứu cấp tuyển phương 救急選方 , 2 quyển [in lần đầu năm 1801], Y dựng 醫賸, 3 quyển, phụ 1 quyển [in lần đầu năm 1809], Kim quỹ ngọc hàm yếu lược tập nghĩa 金匱玉函要略輯義 , 6 quyển [in lần đầu năm 1811], Thương hàn luận tập nghĩa 傷寒論輯義, 7 quyển [in lần đầu năm 1822], Tố vấn thức 素問識, 8 quyển [in lần đầu năm 1837] của Đa Kỷ Nguyên Giản多紀元簡; Sách Nan kinh sớ chứng 難經疏證 của Đa Kỷ Nguyên Dận 多紀元胤Taki Genin, 2 quyển [in lần đầu năm 1822]; Thương hàn quảng yếu 傷寒廣要 [in lần đầu năm 1827], Thương hàn luận thuật nghĩa 傷寒論輯義, 5 quyển [in lần đầu năm 1838], Dược trị thông nghĩa 藥治通義, 12 quyển [in lần đầu năm 1839]. Kim quỹ ngọc hàm yếu lược thuật nghĩa 金匱玉函要略述義, 3 quyển [in lần đầu năm 1884] của Đa Kỷ Nguyên Kiên多紀元堅Taki Genken; Sách Y lược sao醫略抄, 1 quyển [in lần đầu năm 1795], Kinh huyệt toản yếu 經穴纂要, 5 quyển [biên soạn năm 1810] : 1 bản in năm 1884, kết hợp cùng với sách 13 sách do Nhật in đã nói ở trên thành sách Duật tu đường y học tùng thư 聿修堂醫學叢書. Sách này cho đến cuối thời nhà Thanh đã được in lại nhiều lần.

  - Cổ phương thông lãm 古方通覧của Tá Đằng Chính Chiêu 佐藤正昭Satou Masaaki, 1 quyển [in lần đầu năm 1776]: 2 bản in (bản in năm 1885 và một bản in thời nhà Thanh không rõ niên đại).

  - Nhãn khoa cẩm nang chính biên 眼科錦囊正編của Bản Trang Tuấn Đốc 本庄俊篤Honjou Toshiatsu, 4 quyển, Nhãn khoa cẩm nang tục biên 眼科錦囊續編, 2 quyển [in năm 1831 - năm 1837 mới xuất bản lần đầu]: 2 bản (in năm 1885, và mọt loại bản in ở nhà Thanh không rõ niên đại).

  - Huân thương chứng trị bí giám 黴瘡證治秘鑑 của Quất Thượng Hiền 橘尚賢Tachibana Shouken, 2 quyển [in lần đầu năm 1776]: 3 bản (1885, 1895, và một loại bản in nhà Thanh không rõ niên đại).

  - Hoa liễu biền chứng yếu luận 花柳辨證要論 của Ngạn Điền Ngâm Hương 岸田吟香Kishida Ginkou, 1 quyển: 1 bản in (1888, do Thượng Hải lạc thiện đường của Ngạn Điền Ngâm Hương xuất bản).

  - Chẩn bệnh kỳ hạch 診病奇侅 của Đa Kỷ Nguyên Kiên 多紀元堅 (do Tùng Tỉnh Tháo 松井操Matsui Miasao dịch ra Hán ), 2 quyển [biên soạn năm 1843]; Ngũ vân tử phúc chẩn pháp 五雲子腹診法 của Sâm Vân Thống森雲統Mori Untou, 1 quyển: 1 bản in (1888, do Vương Nhân Càn 王仁乾 xuất bản tại Nhật).

  - Phế bệnh vấn đáp 肺病問答 của Thạch Thần Hưởng 石神亨Ishigami Ryou(Sa tăng Di 沙曽詒 dịch ra Hán, 1 quyển (không rõ năm biên soạn và năm in): 2 bản (in năm 1894 và 1903).

  - Cước khí loại phương 脚氣類方của Nguyên Dưỡng Đức 源養德Minamoto Youtoku, 1 quyển [in lần đầu năm 1763]: 1 bản in (năm 1899).

  - Mạch học tập yếu 脈學輯要 của Đa Kỷ Nguyên Giản多紀元簡, 3 quyển [in lần đầu năm 1763]: 2 bản in (1901 và 1904).

  - Tập quang thương hàn luận 輯光傷寒論 (tên Trung Quốc là San định thương hàn luận 刪定傷寒論) của Cát Ích Nam Nhai 吉益南涯Yoshimasu Nangai, 2 quyển [in lần đầu năm 1822]: 1 bản in (năm 1910).

  - Hóa học thực nghiệm tân bản thảo 化學實驗新本草 do Đinh Phúc Bảo 丁福保 từ các sách sinh dược của Nhật Bản dịch ra Hán, 1 sách: 1 bản in (năm 1910).

  Tất cả các sách trên phần nhiều là in lại từ các bản in của Nhật được du nhập vào Trung Quốc và được in lại vào sau thời Duy Tân Minh Trị. Do chính sách "nhất thể hóa" y học Tây dương của chính phủ Minh Trị nên việc xuất bản các sách y học truyền thống không có ý nghĩa gì nữa, tuy nhiên trong các bản in tại Trung Quốc cũng có thể thấy các ký hiệu "一", "二" và ký hiệu "レ" [các ký hiệu Huấn độc Hán văn của Nhật Bản] đã bị tước bỏ hoặc bị bỏ sót. Cũng có một số bản in của Trung Quốc được dịch ra Hán từ các sách y học viết bằng tiếng Nhật .

  4.1.2. Nhật Bản

  Các sách y học của nước khác được in lại tại Nhật từ trước năm 1867 phần nhiều là Hán tịch. Đó là sách Hàn do Nhật Bản khắc in, tuy nhiên, cũng không thấy các sách Hán của Việt Nam do Nhật Bản in.

  3/ Sách Hán do Nhật Bản in khắc: có khoảng 323 sách.

  Các sách y học xuất bản ở Nhật Bản trước thời kỳ Edo chỉ có 3 sách, đó là sách Tân biên danh phương loại chứng - Y thư đại toàn 〔新編名方類證〕醫書大全 của Hùng Tông Lập 熊宗立 thời nhà Minh, 24 quyển (khắc lại năm 1528 từ bản nền là bản do Hùng Thị chủng đức đường xuất bản năm 1467); quyển thứ 2 là quyển Tục giải bát thập nhất nan kinh 俗解八十一難經 cũng của Hùng Tông Lập 熊宗立 nhà Minh [Pg.4] , 7 quyển (khắc lại vào năm 1536 từ bản nên do Ngao Phong Hùng thị Trung hòa đường khắc in năm 1472). Ngoài ra còn có sách Sát bệnh chỉ nam 察病指南 của Thí Phát 施發 thời nhà Tống, 3 quyển được khắc in lại vào khoảng trung kì thời Muromachi 室町đầu thế kỷ 15.

  Vào thời kỳ Edo, do nghề in phát triển nên ước có khoảng 320 sách Hán y học được khắc in lại, tuy nhiên, trừ các bản không có niên đại in rõ ràng và có sự khác nhau giữa các ván in, thì còn khoảng 314 sách [8]. Nếu phân biệt theo môn loại thì sách Y phương đẳng có 207 sách, Bản thảo có 25 sách, Thương hàn có 27 sách, Kim quỹ có 3 sách, Nội kinh có 14 sách, Châm cứu có 14 sách, Đậu chẩn có 24 sách. Số lần Nhật khắc lại 314 sách này theo thống kê thành khoảng 680 sách, tính chi tiết thì số sách Y phương đẳng là 411 sách, Bản thảo là 53 sách, Thương hàn là 70 sách, Kim quỹ là 16 sách, Nội kinh là 60, Châm cứu là 39 sách, Đẩu chẩn là 31 sách. Có thể thấy các sách được khắc lại chủ yếu là các sách y học lâm sàng như Y phương đẳng, Châm cứu và Đậu chẩn. Các sách Bản thảo, Thương hàn, Kim quỹ, Nội kinh là các sách y học cơ sở chỉ chiếm một số lượng nhất định.

テキスト ボックス: Sơ đồ 1: Số lần xuất bản các thư tịch Hán do Nhật khắc in thời Edo [8]       Trong Sơ đồ 1, theo thống kê 10 năm một lần các sách Hán được Nhật bản in khắc lại đã cho thấy rõ nhất là sự luân chuyển các y thư Hán ở thời kì Edo. Y thư Hán tịch được lưu hành lớn nhất là vào khoảng thời gian Tiền kỳ thời Edo, tức từ năm 1651 đến 1660 và lưu hành ít hơn là Hậu kỳ thời Edo, từ 1791 đến năm 1800. Cách sách y thư được lưu hành lớn nhất thời Tiền kỳ chủ yếu là các sách y học lâm sàng, nhưng các sách y học được lưu hành ít hơn ở Hậu kỳ lại đóng vai trò to lớn cho y học cơ sở.

  Nếu đề cử 10 sách theo thứ tự thuận số lần in khắc nhiều từ năm biên soạn, số quyển ta sẽ có kết quả như sau (trong ngoặc là số lần xuất bản theo: Tiền kỳ - Trung kỳ và Hậu kỳ thời Edo) [Ví dụ : (22-4-0), 22 là số lần xuất bản thời Tiền kỳ, 4 là thời Trung kỳ và 0 là Hậu kỳ]

  - Y phương đại thành luận 醫方大成論, nhà Minh 1 quyển: 26 bản in (22-4-0);

  - Vạn bệnh hồi xuân 萬病回春, nhà Minh, 8 quyển: 19 bản in (16-3-0);

  - Thập tứ kinh phát huy十四經發揮, 3 quyển: 17 bản in (7-6-4);

  - Thương hàn luận 傷寒論, nhà Hán, 10 quyển: 15 bản in (1-4-10);

  - Kim quỹ yếu lược 金匱要略, 3 quyển: 14 bản in (2-5-7);

  - Vận khí luận áo 運氣論奧, nhà Tống, 3 quyển: 13 bản in (11-2-);

  - Cách chí dư luận 格致餘論, 1 quyển: 13 bản in (11-2-0);

  - Nam kinh bản nghĩa 難經本義, nhà Nguyên, 2 quyển: 12 bản in (9-2-1);

  - Y học chính truyền hoặc vấn 醫學正傳或問, 1 quyển: 10 bản in (8-2-0);

  - Nguyên bệnh thức 原病式, nhà Kim, 1 quyển: 10 bản in (8-2-0).

  Từ số liệu trên có thế thấy số lần in khắc bán được nhiều nhất là các sách nhỏ có 8 quyển, sách Thương hàn luận 傷寒論 10 quyển, thực tế về số chữ chỉ bằng 6 quyển. Hầu hết các sách có mặt ở Trung Quốc qua các thời đại đều được lưu hành ở Tiền kỳ thời Edo, nhưng chỉ riêng sách Thương hàn, Kim quỹ cũng được lưu hành mở rộng suốt từ Trung kỳ đến Hậu kỳ thời Edo.

  4/ Sách Hán Hàn do Nhật Bản in khắc: 7 quyển.

  - Tân biên tập thành ngưu y phương mã y phương 新編集成牛醫方馬醫方của các ông Quyền Trọng Hòa 權仲和, 2 quyển [in lần đầu năm 1399]: 1 bản in (Tiền kỳ thời Edo. Bản nên là bản in năm 1580)[Pg.5].

  - Thọ dưỡng tùng thư 壽養叢書của Lý Xương Đình 李昌庭, 4 quyển: 1 bản in (năm 1669).

テキスト ボックス: Ảnh 3 医方類聚(1861版)       - Tân chú vô oan lục 新註無寃錄 của Thôi Chí Vân 崔致雲, 2 quyển [in lần đầu năm 1440]: 1 bản in (từ Tiền kỳ đến Trung kỳ thời Edo).

  - Đông y bảo giám 東醫寶鑑 của Hứa Tuấn 許浚, 25 quyển [in lần đầu năm 1613]: 3 bản in (1724, 1730, 1799. Hiệu đính, khắc lại theo mệnh lệnh của Mạc phủ).

  - Châm cứu kinh nghiệm phương 鍼灸經驗方của Hứa Nhậm 許任, 3 quyển [in lần đầu năm 1644, bản 1 quyển]: 2 bản in (1725, 1778).

  - Vô oan lục thuật 無寃錄述 của Thôi Chí Vân 崔致雲, 2 quyển [in lần đầu năm 1440, trích dịch từ quyển Hạ, sách Tân chú vô oan lục 新註無寃錄]: 3 bản in (1768, 1799, 1854).

  - Y phương loại tụ 醫方類聚của các ông Kim Lễ Mông金禮蒙, 226 quyển [in lần đầu năm 1477]: 1 bản in (1861. Hiệu đính và in lại theo mệnh lệnh của y quan Mạc phủ).

  Các sách y học Hán của Hàn Quốc do Nhật in khắc so với các thư tịch Hán khác tuy còn ít, song đều được xuất bản vào tất cả các thời kỳ Edo. Các lĩnh vực như Thú y- Dưỡng sinh - Châm cứu mỗi loại có 1 sách, theo thống kê có 4 bản in; các loại sách Pháp y học, Y học toàn thư ghi chép toàn bộ các khoa y học từ cơ sở đến lâm sàng mỗi loại có 2 sách, thống kê là 8 bản in, bao trùm tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra những bộ sách lớn có 25 quyển và 266 quyển xuất bản liên quan đến Mạc phủ, cho thấy các sách y học của Hàn được đánh giá cao ở Nhật Bản.

  4-1-3. Hàn Quốc

テキスト ボックス: Ảnh 4醫學正傳(1585前版)       5/ Sách Hán do Hàn quốc in: 94 sách.

  Các sách y học nước khác được Hàn Quốc in khắc từ trước năm 1909 chỉ có Hán tịch. Theo ông Tam Mộc三木 (Miki Sakae), trừ sự khác nhau giữa các bản in, có thể nêu ra 92 sách y học của Hán do Hàn Quốc in lại. Trong số sách này còn bao gồm cả sách có khả năng đã bị mất, chỉ còn thấy qua ghi chép trong các mục lục hoặc sử thư. Ngoài ra còn đếm sót 3 sách, qua thống kê của chúng tôi thì có thể đã đếm nhầm, chỉ sót 2 sách. Theo điều tra của Miki, có 93 sách, và đã tìm thấy 1 sách Hán do Hàn Quốc in. Đó là cuốn Y môn bí chỉ 醫門秘旨của Trương Tứ Duy 張四維 thời nhà Minh, 4 quyển: 1 bản in (1576).

  Việc in khắc các sách y học Hán ở Hàn Quốc được tiến hành rất sớm, ngay sau khi sách được in ở Trung Quốc. Việc in khắc bắt đầu từ năm 1059 thời đại Cao Ly. Tiền kỳ triều Lý là thời đại rất hưng thịnh nên rất nhiều sách y học của Trung Quốc được in bằng hoạt tự, nhưng hầu hết là sách do chính quyền địa phương cho khắc in, không phải do chính quyền Trung ương. Sau khi Tú Cát 秀吉 Hideyoshi[Nhật Bản] mang binh sang Triều Tiên vào năm Văn Lộc, Khánh Trường, trong nước suy yếu, việc xuất bản cũng bị cắt giảm nhưng sau thế kỷ thứ 19, do việc in ấn thương mại được phổ cập thì số sách in cũng gia tăng. Các sách Hán do Hàn quốc in nhiều nhất là được in khắc lại từ 1 đến 3 lần. Theo điều tra của Miki, cùng sự bổ sung của Mayanagi 眞柳, số sách y học Hán được in lại khoảng 5 lần trở lên.

  - [Tân thư bổ chú] Đồng nhân du huyện châm cứu đồ kinh 新刊補註〕銅人腧穴鍼灸圖經 của Vương Duy Nhất 王惟一, 5 quyển [in lần đầu năm 1026]: gồm 6 bản in (có hai loại, nửa sau thế kỷ 15 và nửa sau thế kỷ 16; trước năm 1585; 1615; nửa sau thế kỷ 18).

  - [Tân san bổ chú thích văn] Hoàng đế nội kinh tố vấn 『〔新刊補註釋文〕黄帝内經素問 do Lý Hy Hiến hiệu giám李希憲,12 quyển [in lần đầu năm 1068]: 6 bản in (nửa sau thế kỷ 15, nửa sau thế kỷ 16 có 2 loại, trước 1585, 1615, nửa sau thế kỷ 18).

  - [Tân biên] Y học chính truyền 〔新編〕醫學正傳 của Ngu Bác虞搏, 8 quyển [biên soạn năm 1515]: 6 bản in (khoảng năm 1531 đến 1544; trước năm 1564; trước năm 1585; trước năm 1675; nửa sau thế kỷ 18; năm 1819).

  - [Biên chú] Y học nhập môn〔編註〕醫學入門 của Lý ?, quyển Thủ 1 quyển-7 quyển [biên soạn năm 1575]: 6 bản in (khoảng năm 1613; nửa trước thế kỷ thứ 17; trước năm 1675; 1818; 1820; 1819).

  - Đông viên thập thư 東垣十書 của các ông Lý Đông Viên 李東垣 [in lần đầu vào khoảng năm 1399-1424], toàn bộ có 10 quyển: 5 bản in (năm 1488; nửa trước thế kỷ 16; khoảng năm 1540; nửa sau thế kỷ 16; năm 1765).

  5 sách trên, ngoài các Y học nhập môn được in vào năm 1909, số còn lại được đoán định do chính phủ cho san khắc, cho thấy các sách này được nhà nước coi trọng. Số lần in lại của quyển thứ nhất, thứ hai đều là các sách y học cơ sở do chính phủ Bắc Tống cho biên tập và xuất bản. Quyển thứ 3 trở xuống có đặc trưng là không phải là tùng thư y học toàn thư mà là sách do dân gian thời nhà Minh biên tập và san khắc.

  4.1.4. Việt Nam

  6/ Thư tịch Hán in ở Việt Nam có 14 sách.

  Các sách y học của nước khác được Việt Nam in lại vào trước năm 1886 bao gồm cả sách chép tay, được xác nhận là có 14 sách Hán (trong ngoặc đơn là năm in khắc lại), không có các bản in lại sách y học của Nhật và Hàn Quốc [Pg.6].

  - Y học chính pháp 醫學正傳của Ngu Bác虞搏, 8 quyển [biên soạn năm 1515]: thấp nhất là 1 bản (thế kỷ thứ 18 ?).

  - Vạn thị phụ nhân khoa 萬氏婦人科của Vạn Toàn萬全, 1 quyển [tuyển chọn từ sách Vạn thị nữ khoa (biên soạn năm 1549) của Trung Quốc có 3 quyển]: ít nhất là 1 bản in (nửa sau thế kỷ 19).

  - Ngoại khoa khu yếu đại toàn 外科樞要大全của Tiết Kỷ 薛己, 4 quyển [biên soạn năm 1571]: ít nhất là 1 bản (năm 1807).

  - [Biên chú ]Y học nhập môn〔編註〕醫學入門của Lý Đĩnh 李梴 , quyển Thủ , 7 quyển [biên soạn năm 1575]: ít nhất là 2 bản in (trước 1859 và 1859).

  - Vạn bệnh hồi xuân萬病回春của Cung Đình Hiền龔廷賢, 8 quyển [biên soạn năm 1587]: ít nhất là 1 bản in (thế kỷ 19).

  - [Tân san] Vân lâm thần cốc〔新刊〕雲林神彀của Củng Đình Hiền龔廷賢, 4 quyển [biên soạn năm 1591]: ít nhất là 1 bản in (thế kỷ 19).

テキスト ボックス: Ảnh 5壽世保元(19世紀版)       - [Y lâm trạng nguyên] Thọ thế bảo nguyên 〔醫林狀元〕壽世保元của Củng Đình Hiền 龔廷賢, 10 quyển [biên soạn năm 1615]: ít nhất là 1 bản in (thế kỷ 19)

  - Hoạt ấu tâm pháp đại toàn 活幼心法大全 của Giang Thượng Hằng 江尚恒, 9 quyển [biên soạn năm 1616]: ít nhất là 1 bản (thế kỷ 19).

  - [Y hải đại thành] Đậu khoa toản yếu 〔醫海大成〕痘科纂要của Địch Lương 翟良, 1 quyển [biên soạn năm 1628]: ít nhất là 1 bản in (1844).

  - [Tinh y lục thư] Ôn đậu luận 〔醒醫六書〕瘟疫論 của Ngô Hựu Khả 呉又可, 3 quyển [biên soạn năm 1642]: ít nhất là 2 bản in (1848 và 1876).

  - Cứu thiên tỏa ngôn 救偏瑣言của Phí Khải Thái 費啓泰, [biên soạn năm 1659], 10 quyển: ít nhất là 1 bản in (1881).

  - Diên linh dược thạch 延齡藥石của Thiệu Chí Lâm邵志琳, 1 quyển [biên soạn năm 1714]: ít nhất chỉ có 1 bản in (1870).

  - Đại sinh yếu chỉ 大生要旨của Đường Thiên Khoảnh 唐千頃 [biên soạn năm 1762]: ít nhất là 1 bản in (1870).

  - [Tân san] Phổ Tế ứng nghiệm lương phương 〔新刊〕普濟應驗良方của Dung Sơn Đức Hiên容山德軒, 8 quyển [biên soạn năm 1799]: ít nhất là 1 bản in (1875).

テキスト ボックス: Ảnh 6 啓迪集(1649版)       14 sách y học Hán do Việt Nam in lại so với 323 sách do Nhật in lại và 94 sách do Hàn Quốc in lại cho thấy số sách y học Hán do Việt Nam in lại rất ít. Tuy nhiên, Việt Nam là nước khí hậu nóng ẩm nên việc bảo quản sách vở rất khó khăn. Mặt khác, các thư tịch y học Hán ra đời rất sớm nhưng việc in khắc lại của Việt Nam chỉ có từ thế thứ 19, song có thể các bản in của Việt Nam cũng ra đời sớm, vì thế chúng tôi suy đoán số lần in lại ít nhất là 1 lần.

  4.2. Sự phân tích và trích dẫn y thư của nước khác trong hệ thống nội địa hóa y thư các nước

  4.2.1. Khải địch tập 啓迪集 của Nhật Bản

  Sự nội địa hóa y học Nhật Bản có thể thấy rõ ở tác phẩm Y thư tâm 醫心方, 30 quyển [biên soạn năm 984] của Đan Ba Khang Lại 丹波康頼Tanba no Yasuyori thời đại Heian 平安[797-1190], song tác phẩm đó không được sử dụng trong lâm sàng hiện đại. Ở thời hiện đại, người ta thường sử dụng lâm sàng kết hợp giữa phái Hậu thế phương được hình thành vào Sơ kỳ thời Edo [1603-1863] và đối lập với nó là phái Cổ phương được hình thành vào Trung kỳ Edo. Sau này, ông Khúc Trực Lạn Đạo Tam 曲直瀬道三Manase Dousan(1507-1594) là người đề xướng y học Hậu thế phương được coi là ông tổ cho việc trung hưng y học Nhật Bản. Trong họ tên mà ông tự đặt ra là Khúc Trực Lạn Đạo Tam, thì Khúc Trực Lạn có nghĩa là "Đảo quốc phía đông", còn Đạo Tam được đặt với ý thức phong thổ Nhật Bản khác với Trung Quốc [10]. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Khải địch tập, 8 quyển (biên soạn vào năm 1574) là cuốn "toàn thư" tất cả các khoa của y học sau này. Tác phẩm được biên soạn dựa theo phương hướng của phái Hậu thế phương. Tuy nhiên, về cơ bản, nó không phải là văn chương của Đạo Tam, mà là sự kết hợp các câu văn lẩy ra trong khi tuyển dịch, lấy hoặc bỏ các bộ phận đã được công nhận hữu dụng nhất từ các y thư Hán tịch [Y thư của Trung Quốc]. Với hình thức này, Đạo Tam tự tạo cho mình một hình thức mang tính cá nhân, ngay tác phẩm Y tâm phương cũng được biên soạn theo phương pháp như vậy.

  Các sách y thư Hán được dẫn trong sách Khải địch tập theo thống kê của Vương-Tiểu Tăng Hộ [11] là 46 sách, số lần trích dẫn các sách cũng đã được điều tra. Theo thống kê, sách Y học chính truyền 醫學正傳, 8 quyển [biên soạn năm 1515] của Ngu Bác thời nhà Minh, số câu trích dẫn nhiều nhất là 462 lần, tiếp đó theo thứ tự là cuốn Ngọc cơ vi nghĩa 玉機微義 của Lưu Thuần劉純 nhà Minh, 50 quyển (biên soạn năm 1396): 404 lần; Y lâm (loại chứng) tập yếu 醫林(類證)集要, 20 quyển [biên soạn năm 1482] của Vương Tỉ 王璽thời nhà Minh: 271 lần; Đan khê tâm pháp loại tụ 丹溪心法類聚, 2 quyển [in lần đầu năm 1507] của Dương Tuân 楊珣thời nhà Minh: 198 lần; Giản hiểu huệ tế phương〔簡效〕惠濟方, 8 quyển [biên soạn khoảng năm 1530] của Vương Vĩnh Phụ 王永輔 đời nhà Minh: 169 lần. Các đoạn trích dẫn chỉ với 5 sách đầu đã chiếm quá nửa nội dung cuốn sách, qua đó có thể hiểu được ảnh hưởng của các y thư Hán tịch trong việc biên tập Khải Địch tập của Đạo Tam. Các sách y thư Hán tịch chủ yếu được biên soạn vào thời nhà Minh, trong 5 sách đầu, trừ Đan khê tâm pháp loại tụ chúng có điểm chung với Khải địch tập ở chỗ đều là các sách toàn thư về y học [Pg.6].

  4.2.2. Đông y bảo giám 東醫寶鑑của Hàn Quốc

テキスト ボックス: Ảnh 7東醫寶鑑(17世紀版)       Việc nội địa hóa y học Hàn Quốc thấy rõ nhất qua việc biên tập cuốn Hương dược tập thành phương 郷藥集成方, 85 quyển theo sắc lệnh tuyển chọn y học toàn thư vào năm 1433, Sơ kỳ triều nhà Lý, ngay trong tên sách cũng xuất hiện hai chữ "Hương dược". Cuốn Y phương loại tụ 醫方類聚, 266 quyển được tuyển chọn theo sắc lệnh và in năm 1477 là cuốn y học toàn thư lớn nhất ở 4 nước Nhật, Trung, Hàn, Việt, trích dẫn 153 loại sách y thư từ thời nhà Đường đến sơ kỳ thời nhà Minh, tuy nói là lớn nhưng cuốn sách này cũng chỉ được in 1 lần. Cho đến nay cuốn sách được coi là có ảnh hưởng lớn nhất ở Hàn Quốc do được nội địa hóa ở trình độ cao phải kể đến loại y học toàn thư, đó là cuốn Đông y bảo giám東醫寶鑑, 25 quyển [in lần đầu vào năm 1613] do Hứa Tuấn 許浚(1539-1615) biên soạn theo sắc mệnh. Ý thức về y học dân tộc còn thể hiện ở chỗ tác giả đã lấy tên sách là Đông y vì cho rằng nước mình ở vị trí phía đông của Trung Quốc. Theo thống kê, cho đến trước năm 1909, đã có 6 loại bản in [12] , nếu thêm vào số lần in khắc lại từ ván in thì con số có lẽ cũng tương đương như thế. Ở Trung Quốc có 18 bản in được khắc lại, ở Nhật Bản có 3 bản được khắc lại, trong đó phần nhiều bao hàm cả bản in lại. Cuốn sách này cho đến thời hiện đại cũng được coi có giá trị nhất của y học Hàn Quốc. Phương pháp y học của Hàn Quốc sở dĩ thích ứng với bảo hiểm chữa trị y tế ở Hàn Quốc là do trích dẫn nhiều từ sách này. Hứa Tuấn trong Lời tựa - Phàm lệ , tiếp đó là phần Lịch đại y phương của sách, cũng cho biết khi biên soạn ông cũng đã trích dẫn 83 sách y thư Hán tịch từ thời nhà Hán đến thời nhà Minh, thế kỷ thứ 16, cùng với các sách trong nước qua các thời đại như Y phương loại tụ 醫方類聚, Hương dược tập thành phương, 郷藥集成方; Y lâm toát yếu醫林撮要. Về cơ bản, trong phần chính văn, các đoạn trích dẫn đều được tác giả ghi chú rõ xuất xứ. Ở phần chính văn cũng thấy một số nhầm lẫn về thời đại và tên sách có thể do gián tiếp trích dẫn. Qua bản điện tử chúng tôi đã thử thống kê số lần dẫn dụng các sách Hán tiêu biểu của từng đại thời, và kết quả như sau:

  Sách Tố vấn 素問của nhà Hán: 5 lần; Thương hàn luận 傷寒論 nhà Hán: 5 lần; Bệnh nguyên 病源nhà Tùy: 6 lần; Thiên kim phương 千金方nhà Đường: 6 lần; Ngoại thai bí yếu 外臺秘要 nhà Đường: 5 lần; Trực chỉ phương 直指方nhà Tống: 426 lần; Đắc hiệu phương 得效方 nhà Nguyên: 1.094 lần; Đan khê tâm pháp 丹溪心法 nhà Minh: 2 lần; Ngọc cơ vi nghĩa 玉機微義 nhà Minh: 6 lần; Y học chính truyền 醫學正傳 nhà Minh: 557 lần; Y lâm tập yếu 醫林集要 nhà Minh: 39 lần (Y lâm 醫林 là 34 lần, Tập yếu 集要 là 5 lần); Y học nhập môn醫學入門 nhà Minh: 2.842 lần; Cổ kim y giám 古今醫鑑nhà Minh : 674 lần; Vạn bệnh hồi xuân 萬病回春nhà Minh: 535 lần.

  Số chữ qua mỗi lần trích dẫn có lẽ cũng có sự khác nhau ít nhiều, nhưng đã phản ánh được khuynh hướng trích dẫn một cách toàn diện. Có thể thấy rõ rất ít cực đoan trong việc trích dẫn từ các sách y học cơ sở mang tính cổ điển từ nhà Hán đến nhà Tùy và từ các sách y học toàn thư thời nhà Đường. Việc trích dẫn từ cách sách y phương thư và toàn thư từ thời nhà Tống trở về sau được cho là nhiều nhất. Số lần trích dẫn cũng được coi trọng theo trật tự thuận từ Y học nhập môn 醫學入門- Đắc hiệu phương 得效方- Cổ kim y giám古今醫鑑- Y học chính truyền 醫學正傳- Vạn bệnh hồi xuân 萬病回春- Trực chỉ phương直指方. Trong đó trích dẫn nhiều nhất từ sách Y học nhập môn 醫學入門là gần 3000 lần, đồng thời với nó còn có Cổ kim y giám古今醫鑑 và Vạn bệnh hồi xuân 萬病回春do Củng Đình Hiền biên tập, ngoài ra chiếm vị trí cao còn có sách Y học chính truyền 醫學正傳 là sách toàn thư thời nhà Minh. Tuy nhiên, cũng cần chú ý ngay trong các sách toàn thư nhà Minh như Ngọc cơ vi nghĩa玉機微義 và Y lâm tập yếu 醫林集要 cũng không phải được trích dẫn nhiều.

  4.2.3. Y tông tâm lĩnh 醫宗心領 của Việt Nam

  Việt Nam nằm ở vị trí phía nam của Trung Quốc, người Việt mượn hệ thống âm vận của Trung Quốc để phát âm chữ Hán, nhưng văn pháp lại khác do tiếng Việt thuộc ngữ hệ Austro-Asiatict. Vì thế người Việt mượn dùng chữ Hán cố hữu làm chữ Nôm như chữ Hiragana để ghi tiếng Việt. Cho nên trong các tên các sách y thư của Việt Nam phần nhiềulà Nam dược dịch Quốc ngữ. Sớm nhất có thể thấy qua tên sách Nam dược thần hiệu 南藥神效 của Hồng Nghĩa (còn gọi là Tuệ Tĩnh) ở sơ kỳ thế kỷ 15. Nam dược là để đối lại với Bắc dược của Trung Quốc và để tôn vinh công hiệu của việc trị liệu bằng Nam dược vốn có của Việt Nam.

  Như trên đã trình bày, các sách y học Hán do Việt Nam in lại cũng như vậy và ngay cả những sách y học Hán của người Việt hiện còn rất ít nguyên bản được in từ thế kỷ 18 trở về trước.Văn hóa xuất bản in ấn mà tiêu biểu là Trung Quốc từ sau thời cận thế cũng chỉ được thấy qua một bộ phận rất ít sách in của Việt Nam, các sách phần nhiều được làm ra, truyền đi bằng hình thức không phải chép lại nguyên si mà chỉ lược sao. Vì thế, không có nhiều tư liệu văn hiến cho thấy tính hệ thống của truyền thống y học Việt Nam. Sách duy nhất được coi là tốt nhất, thuộc y học toàn thư là cuốn [Hải thượng Lãn Ông] Y tông tâm lĩnh 〔海上懶翁〕醫宗心領của Lê Hữu Trác (biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, 1720-1791), 65 (hoặc 66) quyển. Đây được coi là bộ tập đại thành về Nam y dược học hóa của Việt Nam. Lãn Ông được coi là thày thuốc tên tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam, hiện vẫn còn ngôi miếu mang tên ông.

テキスト ボックス: Ảnh 8 醫宗心領(1880版)       Sách Y tông tâm lĩnh có Lời tựa khác với niên đại mà Lãn Ông trước thuật qua từng giai đoạn. Bản in hiện còn là các bản in được chia ra nhiều giai đoạn được san khắc dần dần. Bản này đã được biên soạn từ năm 1770 đến năm 1780, và được in từ năm 1880 đến 1885 theo nguyên cảo của tác giả. Nội dung chủ yếu được trích dẫn từ các sách y học Hán của Trung Quốc [Pg.8] nhưng cũng có không ít đoạn văn là do tự bản thân Lãn Ông viết. Các sách y học được trích dẫn bao gồm cả tên tác giả cũng được được ghi rõ trong Phàm lệ của từng quyển và trong chính văn. Chúng tôi bổ sung thêm một số sách dưới đây:

  Tố vấn素問 do Vương Thái Phác 王太僕 chú; Thương hàn - Kim quỹ 傷寒・金匱 của Trọng Cảnh仲景; Bệnh nguyên 病源 của Sào Thị 巢氏; Đông Viên thập thư 東垣十書 của Đông Viên-Đan Khê 東垣・丹溪; Giản dịch (phương)簡易(方), Y học nhập môn醫學入門; Cổ kim y giám古今醫鑑; Thọ thế bảo nguyên 壽世保元; Tiết thị y án 薛氏醫案; Y quán醫貫; Cẩm nang (bí lục)錦囊(秘錄); Cảnh nhạc toàn thư 景岳全書; (Chứng trị) chuẩn thằng (證治)準縄); (Lý) sĩ tài (y thư)(李)士材(醫書); Di sinh (vi luận )頤生(微論); Cứu thiên tỏa ngôn 救偏瑣言; Vạn thị gia tàng萬氏家藏; Phụ nhân lương phương婦人良方; Tế âm cương mục 濟陰綱目; Sản bảo産寶, Bảo sản (cơ yếu)保産(機要) của Đông Viên-Đan Khê; Tiểu nhi dược chứng trị quyết 小兒藥證直訣 của Tiền Trọng Dương 錢仲陽; Bảo xích toàn thư 保赤全書; Đậu chẩn tâm pháp 痘疹心法; Đậu chẩn tâm pháp 痘疹金鏡錄; Đậu chẩn kim kính lục痘疹金鏡錄; Lôi công pháo cứu luận 雷公炮炙論; Bản thảo cương mục 本草綱目.

  Các sách trên đều là sách từ thời nhà Hán đến Trung kỳ thời nhà Thanh, đề cập hầu hết đến các lĩnh vực, nhưng chiếm đa số vẫn là các sách về Sản phụ nhân khoa, Tiểu nhi khoa và các sách Bản thảo; trừ các loại Bản thảo, rất ít các sách y học cơ sở , nhiều nhất là các sách y học toàn thư từ Trung kỳ thời Minh đến Tiền kỳ thời nhà Thanh. Có thể thấy việc trích dẫn chủ yếu từ sách Y học nhập môn 醫學入門. Trong quyển 14 Ngoại cảm thông trị tập 外感通治集có ghi việc ông phải học 5 năm sách Y học nhập môn. Tiếp đó là các đoạn văn được trích dẫn từ các sách y học được nêu nhiều nhất là Cảnh nhạc toàn thư 景岳全書của Trương Giới Tân張介賓, 64 quyển (1624-1640). Trong chính văn có các câu chữ đề cao tính dân tộc như là "Nam dược" hay"kinh nghiệm", và cũng có đoạn ghi chép là ở Việt Nam do không có bệnh thương hàn nên không thể có việc trị liệu đổ nhiều mồ hôi bằng ma hoàng - quế chi.

  5. Khảo sát

  5.1. Vai trò và điểm chung của sách y thư nước khác trong việc hình thành hệ thống y thư các nước

Y học toàn thư thời nhà Minh (niên đại)

Số bản in ở Trung Quốc

Số bản in ở Nhật Bản

Số bản in ở Hàn Quốc

Số bản in ở Việt Nam

Ngọc cơ vi nghĩa 玉機微義 (1396)

8

5

1

0

Đông Viên tập thư 東垣十書 (1399-1424)

7

5

5

0

Y lâm loại chứng tập yếu醫林類證集要 (1482)

4

2

1

0

Y học chính truyền 醫學正傳 (1525)

8

16

6

1

Y học nhập môn醫學入門 (1575)

5

9

6

2

Vạn bệnh hồi xuân萬病回春 (1587)

7

19

4

1

Vân lâm thần câu 雲林神彀 (1591)

4

4

0

1

Thọ thế bảo nguyên 壽世保元 (1615)

1

1

0

1

  Ở Trung quốc người ta cho in khắc lại sách y học của Hàn Quốc và Nhật Bản và lẽ đương nhiên các sách đó đều được sử dụng. Tuy nhiên, việc in khắc đó được tiến hành từ sau Hậu kỳ triều Thanh. Từ 12.637 bản Hán tịch y thư toàn thể có thể thấy ảnh hưởng của y thư Nhật Bản và Hàn Quốc đối với hệ thống y học Trung Quốc cho đến cuối thời nhà Thanh không lớn lắm. Tuy nhiên, số lần in khắc lại sách Đông y bảo giám của Hàn Quốc cho thấy sách này đã vượt qua biên giới và được đánh giá cao ở Trung Quốc. Trong các sách y của Nhật được Trung Quốc giới thiệu và xuất sang Trung Quốc có cả ván khắc và nguyên bản, vào sau thời Minh Trị Duy Tân có cả sách nghiên cứu ở trình độ cao của các y quan thời Mạc phủ, cho thấy vai trò không nhỏ đối với sự hình thành y học hiện đại Trung Quốc sau này [14][15].

  Ở Nhật Bản, việc xuất bản các y thư Hán tịch với trọng tâm là Tiền kỳ thời Edo rất hưng thịnh. Trong 314 sách đã thống kê được 680 lần là do Nhật Bản in lại, và lẽ đương nhiên chúng có ảnh hưởng rất lớn đối với y học Nhật Bản. Các sách được in lại, chủ yếu là các sách y thư lâm sàng, nhưng sau Hậu kỳ thời Edo các sách y học cơ sở cũng được chú ý. Ngoài ra, trong Khải địch tập có phụ thêm phương hướng của y học Nhật Bản cho thấy rõ sự nhiệt thành của y học Nhật Bản đối với các sách y học toàn thư của nhà Minh như: Y học chính truyền, Ngọc cơ vi nghĩa, Y lâm tập yếu . Tương tự, cuốn Vạn bệnh hồi xuân thuộc sách y học toàn thư nhà Minh cũng được in lại tới 18 lần.

  Ở Hàn quốc, người Hàn đã cho xuất bản rất sớm các sách y học Hán tịch của Trung Quốc ngay sau khi sách ra đời, cho đến cuối triều Lý đã có 94 sách được in khắc lại. Với khoảng 300 sách y thư Hán của Hàn Quốc hiện còn, con số đó cũng cho thấy ảnh hưởng rất lớn của y học Trung Quốc đối với Hàn Quốc. Các sách y học Hán được Hàn Quốc in khắc lại từ 5 lần trở lên phần nhiều là sách do chính phủ cho san khắc, cho thấy sự nhất quán trong chính sách của nhà nước. Sách Đông y bảo giám là cuốn sách xây dựng hệ thống y học Hán quốc với tư cách là sách biên soạn theo sắc lệnh của chính phủ cũng trích dẫn nhiều đoạn trong các sách Y học nhập môn, Cổ kim y giám, Vạn bệnh hồi xuân, Y học chính truyền, chứng tỏ sách Y học nhập môn của Trung Quốc được Hàn Quốc rất coi trọng. Có lẽ vì thế sách Y học nhập môn có 6 lần được in khắc lại.

  Ở Việt Nam mới xác nhận chỉ có 14 sách y học Hán được in khắc lại, con số thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Nhìn chung, các sách in chủ yếu là sách y học lâm sàng, nhưng ngoài sách Y học nhập môn còn có các sách Vạn bệnh hồi xuân, Vân lâm thần câu, Thọ thế bảo nguyên của Cung Đình Hiền cũng được in khắc lại. Ngay trong sách Y tông tâm lĩnh được coi là sách hệ thống hóa y học của Việt Nam cũng trích dẫn các sách Cổ kim y giám, Thọ thế bảo nguyên của Cung Đình Hiên, và phần đầu của sách Y học nhập môn.

テキスト ボックス: Ảnh 9各國版『醫學入門』  Bản in đầu tiên ở Trung quốc Bản in ở Triều Tiên       Bản in ở Nhật Bản  Bản in ở Việt Nam         Số sách nội địa hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam có điểm chung là các nước đều xây dựng cho mình một hệ thống riêng, tùy theo các y gia nhưng hầu hết thuộc sách y học toàn thư. Cả ba nước hầu hết cùng đều trích dẫn các sách y học toàn thư thời nhà Minh. Và cả ba cùng có ý thức nhấn mạnh nền y học dân tộc. Đặc biệt là sách Y học nhập môn, 8 quyển của họ Lý, biên soạn năm 1575, cả 2 sách của hai nước Việt Hàn đều cùng trích dẫn phần đầu; sách Y học chính truyền của Ngu Bác, 8 quyển, biên soạn năm 1515, được Nhật Bản trích dẫn phần đầu, ở Hàn Quốc trích dẫn mục thứ 4. Cả hai sách đều cho thấy khả năng motip hóa nội địa y học của từng nước. Khải địch tập, ra đời vào thế kỷ thứ 16 tuy không sử dụng những chỗ khác nhau có tính thời kỳ, nhưng các sách Vạn bệnh hồi xuân, Vân lâm thần câu, Thọ thế bảo nguyên ra đời từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 lại có những điểm giống nhau khi trích dẫn và in khắc lại. Ở trong Biểu 1, đã chỉ ra con số các nước in lại sách y học toàn thư thời nhà Minh, nhưng chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc đã biết được những điểm giống nhau và tình hình tiếp nhận sách y học của nhà Minh. Việt Nam có lẽ cũng tương tự như vậy, bởi cả 3 nước Nhật, Hàn, Việt đều có điểm gần nhau trong y thức về việc nội địa hóa sách y học của Trung Quốc.

  5.2. Nguyên nhân lịch sử - địa lý - xã hội có liên quan đến việc hình thành truyền thống và hệ thống y học các nước.

  Cho dù kết quả khảo sát như trên nhưng hiện tại vẫn có sự cách biệt giữa y học 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Thứ nhất, các nước đều cho thấy kết quả nội địa hóa cố hữu y học dân tộc. Thứ hai, trong khi sách Đông y bảo giám của Hàn quốc, Y tông tâm lĩnh của Việt Nam vẫn được coi là sách cơ sở đối với việc trị liệu hiện nay, nhưng ở Nhật Bản, giá trị của Khải địch tập đã mất đi hoàn toàn. Như trên đã trình bày, y học Nhật Bản đã được nội địa hóa hoàn toàn là do có sự dung hợp giữa phái Cổ phương và y học sau này. Như chúng tôi đã chỉ ra việc lưu hành nhỏ giọt các tác phẩm y học cổ điển Trung Quốc với trọng tâm là y học cở sở ở sau thời kỳ Edo, cho thấy ở các nước xung quanh Trung Quốc, chỉ có Nhật Bản mới có sự vượt biên giới vào Trung Quốc và nhiệt thành với nền y học cổ điển Trung Quốc. Số liệu thống kê tuy chưa thể hiện ra hết trong bài này, nhưng cũng có thể nêu một số nguyên nhân dưới đây về sự đặc biệt đó của Nhật Bản.

   Thứ nhất, nguyên nhân về địa lý. Nhật Bản là quần đảo, việc đi lại với Trung Quốc rất khó khăn nên người Nhật phải tự lực nghiên cứu các sách y học cổ điển khó lý giải. Thứ hai, do nguyên nhân lịch sử, trong 3 nước Nhật Bản là nước không chịu sự chi phối của Trung Quốc mà liên tục duy trì mối quan hệ thân cận do cùng cội nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Thứ ba, nguyên nhân xã hội. Nhật Bản là nước duy nhất không thực hiện chế độ khoa cử, các y sư - tăng lữ và Nho giả để có được địa vị cao trong xã hội nên họ phải tìm mọi cách để vượt lên trên giai tầng sĩ, nông, công, thương (võ sĩ, nhà nông, người thợ và người buôn bán) và y học cổ điển cũng được họ nghiên cứu như Nho học - Phật điển. Thứ 4, nguyên nhân kinh tế. Vào thời kỳ Edo, kinh tế hàng hóa phát triển mạnh nên văn hóa xuất bản được phát triển mạnh ở các đô thị, sự phổ cập các sách cổ điển và sách nghiên cứu đã thúc đẩy việc nghiên cứu . Các nguyên nhân đó có tác dụng phức hợp tạo tiền đề cho việc nghiên cứu y học cổ điển và hình thành nền y học độc lập nhất là từ sau Trung kỳ thời Edo.

  6. Tóm lại

  Việc nghiên cứu so sánh định lượng hóa thư tịch y học cổ điển các nước khối đồng văn đã cho thấy sự tiếp thu có chọn lọc y học nước khác của các nước, đặc biệt là trong bối cảnh lịch sử nội địa hóa y thư của mỗi nước. Đó cũng có thể gọi là lịch sử quan hệ tương hỗ về y học giữa các nước. Đồng thời cũng cho thấy rõ một hiện tượng lịch sử mà cho đến nay chúng ta chưa biết đó là sự sáng tạo từ điểm chung nhất định của mỗi nước. Kết quả của công trình điều tra nghiên cứu này sở dĩ thuyết phục vì dựa vào sự thống kê khách quan các thư tịch văn hiến, nó cùng giúp loại bỏ quan điểm lịch sử dân tộc riêng rẽ cho các nhà cầm quyền và lãnh đạo y học truyền thống của mỗi nước. Kết quả điều tra tiếp đây sẽ công bố ở dịp khác. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho việc xây dựng cơ sở nghiên cứu hợp tác từ nay về sau.

  Các sách y học toàn thư nhà Minh được coi là từ khóa cho công trình nghiên cứu này, nhưng vì sao nó có ảnh hưởng tới sự nội địa hóa y học các nước, hay ở các nước đã tiến hành nội địa hóa như thế nào, cũng là những vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu kỹ càng trong tương lai.

NGUYỄN THỊ OANH dịch

(*) Nội dung chính của bài viết đã được GS.Mayanagi Makoto trình bày vào ngày 13/9/2009 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Chú thích và tài liệu tham khảo.

[1] Mayanagi Makoto: Ý nghĩa lịch sử của việc tiêu chuẩn hóa bộ bị kinh huyệt. Đăng trong sách WHO/WPRO tiêu chuẩn kinh huyệt bộ vị công thức bản phát san kỷ niệm giảng nghĩa hội yếu chỉ tập, do Ban chấp hành Kinh huyệt Nhật Bản biên tập, 2008, tr.11.

[2] Mayanagi Makoto: Thư mục y dược cổ điển do Bảo tàng Cố Cung lưu trữ - Đài Loan phỏng thư chí I, đăng trong sách Lâm sàng Hán phương, quyển 49, số 1 (xuất bản năm 2002) - quyển 54,số 2 (năm 2007).

[3] Mayanagi Makoto: Thư mục y học cổ điển ở Thư viện Quốc gia Việt Nam. Kỷ yếu Nhân văn học - khoa Nhân văn, Đại học Ibaraki), 2006, số 45, tr.1-16.

[4] Mayanagi Makoto: Thư mục y học cổ ở Khuê Chương Các Đại học Soul (1)- (4).Kỷ yếu Nhân văn học - khoa Nhân văn, Đại học Ibaraki), 2004, số 41, 2005, số 44.

[5] Mayanagi Makoto: Thư mục y dược cổ điển (1-21) ở Thư viện Quốc gia [Đài Bắc]. Đài Loan phỏng thư chí II. Đăng trong sách Lâm sàng Hán phương, 54 quyển, 2007, số 4; 2009, số 56.

[6] Mayanagi Makoto: Niên biểu biên soạn các sách và giáo trình y dược của Nhật Bản. Kỷ yếu Nhân văn Communication, Đại học Iba raki), 2006, số 1; 2008, số 5.

[7] Số sách hiện còn lớn nhất là sách do Nhật in; đứng thứ 2 là Hán tịch. Trong số này thư tịch lưu trữ ở Đài Loan chiếm hơn 90 %, số sách do Việt Nam và Hàn Quốc in ước tính theo số liệu thống kê hiện còn ít, chiếm khoảng 70%, có thể do bị thất lạc. Vì thế nên chúng tôi đoán tỉ lệ khoảng trên dưới 90 %.

[8] Mayanagi Makoto: Thư mục y học Trung Quốc du nhập vào Nhật thời kỳ Edo và số sách do Nhật Bản in khắc lại, đăng trong Y học và bệnh trong lịch sử, Nxb.Shibunkaku, Kyoto, 1997, tr. 301-340.

[9] Tam Mộc Vinh : Triều Tiên y thư chí. Nxb. Tam Mộc vinh tư gia . O saka. 1956, tr.187-292.

[10] Mayanagi Makoto - Nguồn gốc dòng họ Khúc Trực Lạn, đăng trong sách Nhật Bản đông dương y học tạp chí. 1991, quyển 4, số 1, 93 tr.

[11] Vương Thất Sách - Tiểu Tằng hộ Dương: Phân tích thư tịch chứng kinh từ trước tới nay, đăng trong sách Khải địch tập - dịch ra tiếng Nhật hiện đại, Nxb Shibunnkaku, Kyoto, 1995, tr.787-795.

[12] Tam Mộc Vinh: Triều Tiên y thư chí. Nxb. Tam Mộc vinh tư gia . Osaka. 1956, tr.110-116.

[13] P.Yua - ru - M. Uon (do Takahashi dịch): Y học Việt Nam đăng trong sách Y học Trung Quốc. Nxb. Heihan. 1972. Tokyo, 115-124 tr.

[14] Mayanagi makoto: Y học truyền thống cận đại Trung Quốc và ảnh hưởng của y thư Nhật bản ở thời Nhật Bản - Dân Quốc, dăng trong sách Lâm sàng Hán phương, 1928, quyển 46, số 12, tr.1928-1944.

[15]Mayanagi Makoto: Cống hiến của Nhật Bản đối với việc hình thành Trung y châm cứu học hiện đại, đăng trong sách Toàn Nhật Bản châm cứu học hội tạp chí, 2006, 56 quyển, số 4, tr.605-615.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 6(97) 2009; Tr.10-29)